Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy: Chính ước mơ làm tôi dám sống. Nguồn Báo Đất Việt, Ngày 12/09/2016

February, 2017

Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy: Chính ước mơ làm tôi dám sống. Nguồn Báo Đất Việt, Ngày 12/09/2016

Triển lãm tranh với chủ đề “Giấc mơ của tôi” được tổ chức tại bảo tàng mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1).

Triển lãm có tất cả 69 bức tranh, được nữ họa sĩ bày biện làm 4 phòng, với những nội dung khác nhau hết sức ấn tượng.

Để hiểu thêm về cuộc triển lãm, cũng như con đường sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với chị ngay tại phòng triển lãm.

Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy (thứ 3 từ phải sang) cùng những người bạn của mình

Pv: Chào chị, chị có thể chia sẽ về triển lãm của mình tới mọi người?

Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy: Triển lãm gồm có 4 phòng, trong đó có 3 phòng tranh đương đại, còn một phòng là để triển lãm chủ đề Nụ cười Việt Nam. Nguyên mảng tường khoảng 10m mới bày đủ những bức tranh ghép đó.

Bức tranh vẽ những nụ cười mà tôi đã gặp, là những trẻ em lao động trên đường phố, những đứa em không cha, không mẹ, những người nông dân. Mặc dù rất khó khăn nhưng vẫn luôn cười, luôn hi vọng về tương lai. Những nụ cười đó đẹp lắm, làm tôi nhớ mãi.

Mặc dù đất nước Việt Nam còn nghèo, còn nhiều thiếu thốn nhưng nếu mình chỉ mãi săm soi, suốt ngày chỉ nói cái chưa được thì làm sao mà tiến bộ được. Cho nên những bức tranh tôi vẽ đều thể hiện những nét đẹp của người Việt Nam.

Pv: Tại sao chị lại lấy chủ đề của triển lãm là “Giấc mơ của tôi?”

Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy: Tôi đã đi qua nửa đời người và hiểu được rằng chính những ước mơ làm cho tôi dám dấn thân, dám sống, dám nghĩ và dám làm. Tôi có một ước mơ, bằng ngôn ngữ hội họa, cảm xúc và màu sắc, tôi có thể diễn đạt được tình yêu của mình dành cho quê hương đất nước.

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan

Tôi có một ước mơ, đất nước và con người Việt Nam không còn đói nghèo và lạc hậu nữa, nụ cười và tài năng của những thế hệ trẻ tương lai sẽ tỏa sáng trên quê hương và lan tỏa đến thế giới bằng trí tuệ, những thành tựu của họ.

Tôi cũng có một ước mơ rằng, con tôi, cháu tôi, những thế hệ tương lai của đất nước sẽ được sống trong một môi trường trong sạch, không còn ô nhiễm. Đất nước được xanh biếc một màu huyền nhiệm trên dãi đất hình chữ S.

Pv: Chị đến với hội họa từ bao giờ?

Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy: Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bến Tre. Ngay từ khi còn là cô bé, tôi đã ham thích vẽ tranh.

Tôi thường vẽ những bức tranh về hoa, thiên nhiên trong tờ báo tường, được bạn bè, thầy cô khen đẹp. Lớn lên tôi quyết định theo học vẽ tranh, nhưng gia đình không cho vì gia đình đã nghèo sẵn, học nghề này lại càng nghèo thêm.

Mặc dù vậy, vì đam mê nên tôi quyết định theo học. Tôi tự mình mày mò học, và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ từ ngày bước vào Đại học Mỹ thuật.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi được thực hiện vào năm 1995 tại Hội mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật 2 năm. Đó là cuộc triển lãm mang dấu ấn của lòng nhiệt huyết và là một sự trải nghiệm tuyệt vời một thời thanh xuân tươi đẹp.

Tiếp đó, tôi thực hiện cuộc triển lãm tiếp theo vào năm 1997 gồm 25 bức tranh sơn mài với 2 nữ họa sĩ khác tại Gallery của công ty Lam Sơn. Tại triển lãm này, một số tranh được bán cho nhà sưu tập.

Một bạn trẻ để lại nụ cười bên bức tranh Nụ cười Việt Nam của nữ họa sĩ

Sau đó, tôi tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các chất liệu khác nhau: giấy dó, acrylic, sơn dầu, sơn mài, các loại hình xếp đặt (installation)…

Pv: Trên con đường nghệ thuật của mình, có lúc nào chị gặp khó khăn, trở ngại không?

Họa sĩ Nguyễn Đạm Thủy: Tôi cứ ngỡ với niềm đam mê hội họa và những ước mơ, những khát khao, sự cảm nhận về xã hội và cuộc sống thể hiện qua tác phẩm nghệ thuật là đủ đối với một người nghệ sĩ. Nhưng không, tôi đã bước sang ngã rẽ khác.

Từ khi có gia đình, tôi bước vào một chặng đường trải nghiệm mới. Ở đó, bổn phận và trách nhiệm của một người vợ, người mẹ đã chiếm trọn hết thời gian. Tôi trở lại của cuộc sống thực tế mưu sinh của một kiếp người.

Tôi cũng rời bỏ công việc của một giảng viên hội họa ở trường Cao đẵng sư phạm TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn) Trong khoảng thời gian từ năm 2002 -2011, tôi gần như không còn sáng tác đều đặn nữa.